Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn "ngủ đông"
Báo cáo mới đây của BHS Group cho thấy, nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm. Theo đó, đối với sản phẩm nghỉ dưỡng cao tầng (căn hộ condotel), nguồn cung trong quý giảm 38% so với cùng kỳ và tập trung chủ yếu tại các thị trường Quảng Bình, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đáng chú ý, trong quý I/2025, thị trường không ghi nhận dự án sản phẩm nghỉ dưỡng cao tầng nào mở bán mới. Tỷ lệ hấp thụ chung trong quý I/2025 của toàn phân khúc đạt 28,7%, sụt giảm 4 lần liên tiếp kể từ quý II/2024.

Phân khúc nghỉ dưỡng cao tầng không ghi nhận dự án sản phẩm nào mở bán mới. Ảnh: BHS Group.
Sản phẩm nghỉ dưỡng thấp tầng (Villa nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng) có phần triển vọng hơn trong các loại hình khi nguồn cung trong 3 tháng đầu năm gần gấp đôi so với quý IV/2024, chủ yếu tập trung tại các thị trường Khánh Hoà, Hoà Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ chung quý I/2025 chỉ tăng nhẹ so với quý IV/2024, đạt mức 27,2%. Về mặt bằng giá hầu hết không tăng, một số dự án tăng nhẹ khoảng 1,4-6% so với quý trước.
Tình trạng ảm đạm của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng được chỉ ra trong báo cáo của DKRA về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Cụ thể, nguồn cung sơ cấp bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó miền Nam và miền Trung chiếm 75% tổng cung cả nước. Sức hấp thụ cũng "bèo bọt" khi loại hình nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận chỉ có 210 căn được hấp thụ trong tổng số 3.666 căn ra thị trường, tương đương tỷ lệ chỉ 6%.
Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành
Mặc dù thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có phần "đuối sức" so với những phân khúc bất động sản khác, tuy nhiên vẫn xuất hiện một vài điểm sáng.
Ghi nhận của PV trong những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nghỉ dưỡng đã có những chuyển động mới để bắt nhịp với thị trường như: Tại Quảng Ninh, ngay sau kỳ nghỉ Tết, CEO Group đã khởi công phân khu Grand Oceania thuộc tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City; Tại Phú Quốc, vào giữa tháng 2, Công ty CP Toàn Hải Vân (thuộc TTC Group) khởi công xây dựng giai đoạn II khu phức hợp Selavia; Đầu tháng 4, Crystal Holidays Holding khởi công dự án Xuân Đài Bay tại Phú Yên; Tại Đà Lạt, trong tháng 2, The One Destination khởi công dự án Haus Da Lat...
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trầm lắng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động thích ứng, có nhiều giải pháp phù hợp để khởi động lại hoạt động kinh doanh một cách bền vững hơn.
Theo ông Đặng Đình Việt, CEO Crystal Holidays Holding, ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ là "thời cơ vàng" cho bất động sản nghỉ dưỡng, doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lữ hành uy tín đưa khách du lịch đến Vân Đồn và Vịnh Bái Tử Long, vận hành dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn từ quý III/2025.
Việc tăng cường các thỏa thuận hợp tác chiến lược với các công ty du lịch lữ hành uy tín như: H&T Travel, Astar Travel, Century Travel & Marketing, Fantasea Travel, Luxrury Tour đều là những thương hiệu du lịch uy tín hàng đầu tại thị trường Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Đây chính là một trong những giải pháp để Crystal Holidays Holding tiến tới tăng lượng khách du lịch nước ngoài, một trong những lượng khách tiềm năng lớn và quan trọng, đón đầu xu thế du lịch, "phá băng" cho thị trường du lịch nội địa và kích cầu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Việt nhận định, những tín hiệu tốt về ngành du lịch là thời cơ quan trọng để doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lữ hành uy tín.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực nghỉ dưỡng cần có những chuyển động mới để bắt nhịp với thị trường.
Để khởi động thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Văn Nhã, Giám đốc CTCP Nghỉ Dưỡng Đào (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) cho biết, doanh nghiệp đã làm mới hạ tầng tổ chức sự kiện, dịch vụ lưu trú, trong đó điểm quan trọng nhất là bắt tay với các đối tác chiến lược là các công ty lữ hành uy tín để tái cấu trúc toàn bộ hệ sinh thái du lịch, hợp tác đội tàu du thuyền 5 sao tại Hạ Long triển khai du lịch kết hợp nghỉ đêm trên du thuyền...
Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng, một trong những đối tác lữ hành lớn của CTCP Nghỉ Dưỡng Đào nhận định: "Chỉ cần mỗi doanh nghiệp cam kết bán vài đoàn mỗi tháng, chúng ta sẽ tạo được lực kéo thị trường đáng kể, quan trọng nhất là giữ liên lạc thường xuyên, chia sẻ ưu đãi". Với sự quyết tâm từ doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp, năm 2025 có thể sẽ là năm bản lề để "rã đông" thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Thực tế thị trường cho thấy, khách hàng ngày càng thận trọng hơn trong việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn dự án.
Ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes cũng cho rằng, trong năm 2025, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục và thu hút đầu tư. Để thúc đẩy thị trường phát triển, cần có những mối quan hệ hợp tác chiến lược và cải thiện về mặt quy định nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc đầu tư DKRA Group cho rằng, các chủ đầu tư vẫn rất thận trọng trong việc triển khai bán hàng do tình hình thanh khoản thị trường gặp khó khăn. Do đó, sức cầu thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, khó có đột biến trong ngắn hạn khi niềm tin của nhà đầu tư và hiệu quả khai thác chưa có nhiều thay đổi tích cực.
Chính vì vậy, các yếu tố bền vững như thương hiệu, khu nghỉ dưỡng trọn gói, khu nghỉ dưỡng sức khỏe… đang dần trở thành một tiêu chí quan trọng để chủ đầu tư có thể gia tăng tính cạnh tranh của dự án trên thị trường, chờ đợi chu kỳ chuyển động mới khi mùa cao điểm du lịch 30/4-1/5 và mùa hè đang tới dần.
Bình luận (0)
Gửi bình luận